Bài 3: Những bước chuyển mình lên ngành dọc
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Trong những năm gần đây, Việt Nam chúng ta rất quan tâm đổi mới toàn diện từ công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phương pháp lãnh đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phòng chống tham nhũng. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được ban hành để hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có công tác quản lý thị trường. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện được vai trò, sự cần thiết của lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên thị trường.
Do vậy, ngay sau khi Nghị định số 10/CP bộc lộ những bất cập, hạn chế, Quốc hội thông qua các kỳ họp, đại hội đã đề cao vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý thị trường; cụ thể hóa nội dung này vào các nghị quyết, giao Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Sự quan tâm, kỳ vọng của Quốc hội được cụ thể hóa bằng việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường, đây được xem là văn bản pháp lý cơ sở quan trọng cho sự thành lập Tổng cục QLTT.
Trong khi cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản từng bước được củng cố, hoàn thiện thì lực lượng QLTT vẫn hoạt động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, hiệu quả chưa cao, bộ máy cồng kềnh, khó quản lý và nhiều tồn tại, hạn chế vẫn chưa có lời giải. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức, lực lượng phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, xóa bỏ cấp trung gian nhưng lực lượng QLTT thì ngược lại, chúng ta được nâng cấp, được sát nhập thành ngành dọc trong toàn lực lượng. Điều này vừa là vinh dự, vừa thể hiện được vai trò, tầm quan trọng của lực lượng QLTT và sự quan tâm, kỳ vọng lớn của Đảng, Nhà nước.
Sau ngày thành lập Tổng cục QLTT (12/10/2018) đến nay chưa được 05 năm nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng lực lượng QLTT hôm nay đã thực sự chuyển mình rõ rệt, thay đổi toàn diện từ tổ chức bộ máy, trang phục, hoạt động công vụ, trang thiết bị, phương tiện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức của công chức QLTT và nhất là công cuộc chuyển đổi số toàn diện với hệ thống kiểm tra, xử lý (INS) đi đầu trong tất cả các lực lượng có chức năng tương đồng. Với sự đổi mới trong tư duy, sự đầu tư bài bản, lực lượng QLTT đã lập nhiều chiến công hiển hách, nhiều vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình được thực hiện, tạo được tiếng vang, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, tin yêu của nhân dân và đặc biệt răn đe nhiều đối tượng vi phạm. Những nét chuyển mình tuyệt vời có thể kể đến trên 05 phương diện như: Ổn định kiện toàn tổ chức, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Xây dựng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, Ứng dụng công nghệ thông tin, Thông tin truyền thông. Là giai đoạn chuyển mình khó khăn khi mọi thứ sau sát nhập đang bộn bề nhưng Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, người chèo lái con thuyền lực lượng QLTT đã vững tay chèo, đưa con thuyền đi thật bình an và ngày càng mạnh mẽ. Nhìn hình ảnh phong trần, đĩnh đạc so với độ tuổi của vị thuyền trưởng mới vào nghề khi bước xuống con thuyền ấy, chắc hẳn ít người có thể nghĩ rằng con thuyền ấy lại vượt qua được bao giông bão, lớn mạnh như hôm nay. Hy vọng những bước chuyển mình ấy sẽ là hành trang quan trọng cho sự lớn mạnh, chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại của lực lượng QLTT trong tương lai không xa.
(Còn nữa)